Bộ trưởng Công Thương: 'Chắc chắn có buôn lậu và kinh tế ngầm'
- Ông Mai Hữu Tín: 20 tỷ USD hàng Trung Quốc lọt cửa kiểm soát Việt Nam / Việt Nam lọt hàng tỷ USD nông sản, may mặc từ Trung Quốc
Sáng nay 12/6, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng tiếp tục đăng đàn trả lời những câu hỏi chất vấn của đại biểu.
Đại biểu Ngô Văn Minh, đoàn Quảng Nam cuối phiên chất vấn chiều hôm qua đặt câu hỏi về tình trạng chênh lệch số liệu xuất nhập khẩu giữa các nước: "Rõ ràng trong quản lý số liệu còn bất cập. Cử tri rất lo lắng về mức độ chênh lệch ngày một lớn này. Điều đó phải chăng thể hiện có tình trạng kinh tế ngầm ở nước ta? Và nó có ảnh hưởng gì đến nền kinh tế đất nước? Xin Bộ trưởng làm rõ nguyên nhân, biện pháp khắc phục. Tôi muốn hỏi trách nhiệm của Bộ trưởng ở đâu trong vấn đề này".
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến sự chênh lệch số liệu xuất nhập khẩu, hàng hóa nông sản khó tiêu thụ. Ảnh: QD |
Trước đó, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, đại biểu Mai Hữu Tín đoàn Bình Dương cho biết, số liệu thống kê xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc từ trước tới nay luôn chênh lệch theo hướng ngày càng bất lợi cho Việt Nam. Theo số liệu của cơ quan thống kê Trung Quốc, năm 2014 Việt Nam đã nhập siêu từ Trung Quốc 43,8 tỷ USD, chứ không phải 29 tỷ USD mà Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Công Thương cho rằng, thực tế, việc chênh lệch về số liệu thống kê giữa các nước tồn tại ở nhiều quốc gia. Kim ngạch càng lớn thì chênh lệch càng nhiều. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận "chắc chắn là có buôn lậu và có kinh tế ngầm". Nhưng để đánh giá về mức độ gây hại đến nền kinh tế thì chưa có cơ sở. Nguyên nhân của tình trạng này theo Bộ trưởng có yếu tố liên quan đến vấn đề đội ngũ quản lý thị trường, và biện pháp để khắc phục là "làm trong sạch đội ngũ đó".
Đại biểu đoàn Quảng Nam này cũng đặt các câu hỏi khá thẳng thắn về tình trạng hàng nông sản ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn hồi đầu năm.
"Có lẽ Bộ trưởng cũng như những người dân cả nước rất đau lòng trước tình trạng ùn ứ ở cửa khẩu Tân Thanh. Tình trạng đã kéo dài hơn 10 năm nay nhưng không cải thiện. Bộ trưởng đi nước ngoài nhiều, tôi xin hỏi có thấy nước nào xảy ra tình trạng này hay không và có thể trả lời xem đến bao giờ thì chấm dứt?", ông Minh nhấn mạnh.
Sự khó khăn trong tiêu thụ nông sản cũng là vấn đề Bộ trưởng nhận được nhiều chất vấn nhất trong ngày hôm qua. Lý giải về nguyên nhân của tình trạng này, ông Hoàng nói: "Dưa hấu chúng ta trồng được ở nhiều nơi nhưng xuất khẩu thì chủ yếu qua cửa khẩu Tân Thanh. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng của khu vực này còn hạn chế, chỉ thông quan được 350 xe mỗi ngày, trong khi vào mùa vụ thì số xe chở hàng lên đến 1.000 xe một ngày, nên thường xuyên xảy ra ách tắc tạm thời".
Do đó, ông Hoàng cho biết, Bộ Công Thương đã bàn với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để xin ý kiến Chính phủ về việc xây dựng một khu trung chuyển, đủ sức chứa 1.000 xe tải ở khu vực gần cửa khẩu Tân Thanh.
"Hiện dự án đang đầu tư, cần vốn lớn và đang chờ xin ý kiến của Chính phủ. Tuy nhiên, hiện nay Bộ đang làm việc với Lạng Sơn để chủ động triển khai", ông Hoàng cho hay.
Bộ trưởng cũng khẳng định, đây không phải là biện pháp duy nhất mà còn có 2 biện pháp khác như trao đổi với Trung Quốc thỏa thuận tạo điều kiện cho hàng Việt vào thị trường Trung Quốc; thông tin đến người dân, người sản xuất, tránh việc tập trung sản xuất một số mặt hàng.
Về câu hỏi của đại biểu rằng ở nước ngoài có tình trạng này không, Bộ trưởng ngập ngừng trả lời: "Tôi cũng nói thật là không có điều kiện để có thể khảo sát được các nước là có tình trạng ùn ứ dưa hấu như ở cửa khẩu Tân Thanh không, vì đi công tác chủ yếu là đi đàm phán các Hiệp định thương mại tự do".
Kết thúc phần chất vấn của Bộ trưởng Công Thương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng vị tư lệnh ngành đã trả lời nhiều chất vấn trước Quốc hội, nắm sâu lĩnh vực phụ trách và có nhiều biện pháp quyết liệt giải quyết tình hình. "Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn nên có nhiều điều chưa đạt như mong muốn", ông Hùng nói.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu ngành Công Thương cần làm cho thị trường thông suốt, khoa học, linh hoạt, vận hành một cách nhanh nhạy, loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết. Làm thế nào để người nông dân, doanh nghiệp... có sản phẩm mạnh đủ sức cạnh tranh, và phải được bán đến được người tiêu dùng, đó là nhiệm vụ quan trọng của ngành trong thời gian tới. Ông cũng đặt ra yêu cầu phải phát triển cho được công nghiệp hỗ trợ, quản lý điều hành giá điện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước...
Ngọc Tuyên
ConversionConversion EmoticonEmoticon