Thưởng thức các loại bánh có tên gọi độc đáo

Thưởng thức các loại bánh có tên gọi độc đáo

Thưởng thức các loại bánh có tên gọi độc đáo Những món quà quê dân dã với tên gọi độc đáo ở các vùng quê là một trong những nét ẩm thực du khách cần khám phá.
  • Bánh cuốn trứ danh đất Hà thành  /  Thương thầm bánh ít lá gai  /  Nghệ thuật vẽ tranh trên bánh

Chủ yếu được làm từ bột gạo được xay nhuyễn, bánh uôi, bánh vạc, bánh cóng... với nhân bánh và cách pha hương vị nước chấm khác nhau, tạo nên những loại bánh khác hấp dẫn.

1. Bánh uôi Hòa Bình

Chiếc bánh uôi giản dị được làm bằng bột nếp nhưng là món đặc sản của người Mường và không thể thiếu được trong mâm cỗ của người nhiều gia đình ở Hòa Bình. Người xứ Mường quan niệm, bánh uôi tượng trưng cho tình yêu, tình vợ chồng hay tình đoàn kết nên thường được gọi với nhiều tên gọi khác nhau: bánh tình yêu, bánh cặp...

banhuoi_1393835233.jpg

Bánh uôi. Ảnh: Ngọc Miên

Có hai cách để làm loại bánh  này là loại nhân mặn và ngọt. Còn vỏ bánh thường được làm bằng gạo nếp nương vẫn còn thơm mùi hương lúa mới. Gạo đem ngâm trước khoảng 2 tiếng rồi đem đãi sạch, để ráo nước và cho vào xay. Khi bột róc nước còn sền sệt thì cho làm bánh.

Để làm loại bánh nhân ngọt, người ta lấy hạt đậu nho nhe (loại hạt đặc trưng của người Mường) hoặc đậu xanh đem nấu chín rồi giã nát trộn cùng với đường. Riêng nhân mặn, chỉ cần tẩm ướp thịt lợn với gia vị, ướp cùng một chút hạt tiêu cho thơm. Sau đó, người ta sắt từng miếng bột nhỏ, cho nhân bánh vào giữa rồi vo tròn lại. Lá dùng để gói bánh thường là chuối rừng hoặc chuối tây, cắt thành từng miếng vừa gói. Người ta cho hai phần bánh ở hai đầu đối xứng trong miếng lá chuối, cuộn lại rồi xoắn chặt tay, gập đôi hai đầu bánh và buộc bằng một dây lạt mềm.

Bánh gói xong được xếp vào chõ hấp trong khoảng gần một giờ đồng hồ, khi thấy lá chuối chuyển sang màu đậm là bánh đã chín. Bánh có hình dạng khá kỳ lạ và đặc biệt với hai phần giống hệt nhau. Khi ăn phải khéo léo bóc lớp lá chuối bên ngoài từ trên xuống theo chiều gân lá để không bị dính và thưởng thức món bánh trắng tinh cùng hương thơm đậm đà của bánh.

2. Bánh tai Phú Thọ

Vốn là thứ quà quê dân dã nhưng bánh tai được rất nhiều người dân Phú Thọ ưa thích, vì vậy du khách đến vùng đất tổ có thể dễ dàng thưởng thức món bánh tai khi lang thang ở các khắp các chợ quê. Bánh màu trắng tinh, được làm bằng bột tẻ hình con trai, vì vậy trước kia người ta thường gọi là bánh trai.

Làm bánh tai không khó nhưng để làm được loại bánh thơm ngon trước hết là khâu chuẩn bị nguyên liệu. Gạo làm bánh phải là goại tẻ ngon, trắng và dẻo. Sau khi đãi gạo sạch, người ta ngâm nước từ 3- 4 tiếng rồi đem giã hoặc xay, để ráo nước cho bột có độ kết dính rồi cho vào nồi nước sôi đun lửa đều, khoảng 20 phút sau vớt bột ra cho vào cối giã thật nhuyễn rồi dùng đũa đánh tơi bột, rồi nặn bánh hình con trai. Nhân làm bánh thường là thịt lợn pha lẫn chút mỡ, được tẩm ướp cho ngấm.

Bánh được cho vào nồi hấp khoảng 30 phút, khi gắp ra miếng bánh trắng tinh quyện cùng mùi thịt mỡ béo ngậy. Ăn bánh tai cùng một chút nước mắm pha thêm chút chanh, ớt, tiêu... mới cảm nhận được vị ngon, đậm đà của món bánh quê dân dã.

3. Bánh vạc Hội An

Đến Hội An, du khách đừng quên bỏ qua món bánh vạc, đặc sản của phố Hội. Đây là món ăn khá sang trọng được bày biện cầu kỳ, như một bông hoa trắng giữa bàn ăn.

banhvac_1393839728.jpg

Cách làm bánh vạc. Ảnh: ngoisao.net

Bánh được làm từ bột gạo, nhân chủ yếu là tôm tươi xay nhuyễn, nhưng khâu chế biến thì rất cầu kỳ khiến người ăn một lần cũng sẽ nhớ mãi. Để làm bánh người thợ phải tỉ mẩn, nhẫn nại. Gạo xay xong được chắt lọc nhiều lần cho đến khi nào bột lắng xuống, rồi vê bột lại cho nhuyễn đều. Người thợ phải nhón từng chút bột và nặn từng miếng thật mỏng, tạo dáng thành cánh mỏng. Nhân bánh được làm bằng những con tôm nhỏ, thịt chắc và tươi sống được lột vỏ, giã nhuyễn rồi tẩm ướp gia vị cho thấm đều, thêm một chút hành xắt nhỏ, nấm mèo...

Sau đó người ta cho nhân vào vỏ bánh, túm nhẹ lại trông giống như một bông hoa rồi đem vào hấp cho đến khi nhân, bột chín, màu trắng đục. Khi bày ra đĩa, người ta thường rắc thêm chút hành đã phi thơm, vàng ruộm rồi đặt lớp bánh lên phía trên. Màu trắng của vỏ bánh, màu đỏ của nhân tôm và màu vàng của hành phi tạo nên một món ăn hấp dẫn.

Bánh vạc sẽ kém ngon nếu không có loại nước chấm ngon, nước chấm được pha chế từ nước luộc tôm, không quá mặn, không quá ngọt mà phải có vị thơm thơm của nhân tôm và một ít ớt xắt mỏng. Vị thơm của thịt tôm, của hành hòa quyện nơi đầu lưỡi sẽ khiến du khách ăn một lần rồi nhớ mãi.

4. Bánh cóng Sóc Trăng

Không khó khi đến Sóc Trăng để thưởng thức món bánh cóng dân dã, vừa lạ vừa quen. Đây là một món ăn của người Khmer. Người ta cho bột và nhân vào một cái cóng có hình giống như chiếc ly, rồi đem chiên lên, vì thế bánh được gọi là bánh cóng.

Để làm được bánh cóng ngon cũng rất công phu, phụ thuộc vào bí quyết pha bột và cách chiên của người làm bánh. Thường người ta phải chọn thứ gạo ngon đem ngâm hai đêm rồi mới xay, pha nước muối loãng cùng với bột cho vào một cái hũ ngâm một hai đêm nữa.

Nhân bánh được làm từ những con tép đồng tươi, đậu xanh nguyên hạt được luộc chín, thịt nạc xay nhuyễn cùng một số loại gia vị. Món bánh cóng ngon là bánh chiên có màu hơi sậm, không quá nhiều mỡ, trên mặt bánh có một con tép đất nằm khoanh tròn trông rất hấp dẫn. Khi ăn, bột bánh giòn tan lan tỏa trong miệng, mùi vị thơm nức hòa lẫn vị béo của đậu xanh và thịt.

Để món bánh cóng ngon và đậm đà, nước chấm cũng góp phần quyết định. Thường là nước mắm cốt, pha vài lát ớt đỏ và gừng cay và thêm một chút chanh, ăn kèm với rau thơm, rau sống khiến người thưởng thức ăn mãi không biết ngán.

5. Bánh gật gù Quảng Ninh

Nhiều người dân ở huyện Tiên Yên không xa lạ gì với bánh gật gù, cái tên nghe đã thấy thú vị. Bánh gật gù được làm từ bột gạo có bề ngoài gần giống bánh phở, bánh cuốn. Thường thì gạo được ngâm qua đêm cho ngấm đủ nước, vớt ra để ráo rồi nghiền thành bột. Lúc nghiền bột cho thêm một ít cơm nguội vào để khi tráng bánh vừa phồng xốp, dẻo lại vừa mềm mịn.

banh-gat-gu_1393842341.jpg

Bánh gật gù ở Quảng Ninh. Ảnh: thuonghieuquangninh

Để tráng bánh gật gù, người thợ làm bánh cũng phải là tay quen, để pha bột sao cho không đặc mà cũng không bị loãng quá. Dụng cụ làm bánh là một chiếc nồi lớn với khuôn hình tròn bên trên. Khi tráng sẽ dàn một lớp bột mỏng rồi đậy lại cho hơi nước bên dưới bốc lên, làm chín lớp bột. Sau đó sẽ dùng một ống tre lấy bánh ra, cuộn lại.

Để bánh không bị dính sát vào nhau, người ta sẽ trải một lớp lá chuối, hoặc quét một lớp mỡ mỏng. Bánh tráng xong trong, mềm, dẻo cầm chấm với nước mắm nguyên chất, chưng cùng với mỡ gà, hành phi, ớt, rất thơm ngon và hấp dẫn.

Anh Phương

, ,

Previous
Next Post »