4 ông lớn ngân hàng sẽ đồng loạt giảm lãi suất cho vay
4 ông lớn ngân hàng sẽ đồng loạt giảm lãi suất cho vay
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa kêu gọi các nhà băng hạ lãi suất cho vay 0,5-1% so với hiện nay, nhằm hài hòa lợi ích giữa các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp. - Trần lãi suất huy động về 5,5% từ ngày mai
Tại buổi họp báo thường kỳ chiều nay (28/10), Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thông tin tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng thời gian qua tiếp tục ổn định. Do đó, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, từ ngày mai (29/10), trần lãi suất huy động tiền đồng kỳ hạn từ 1-6 tháng sẽ giảm từ 6% xuống 5,5% một năm.
Trên cơ sở này, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng với 5 lĩnh vực ưu tiên, gồm cho vay nông nghiệp, nông thôn; xuất nhập khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ cũng giảm về 7%, từ mức 8% một năm hiện nay.
Cùng với giảm lãi suất cho vay ngắn hạn, Thống đốc cũng hiệu triệu các ngân hàng giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn với các lĩnh vực ưu tiên về tối đa 10% một năm, bà Hồng nói. Trên thị trường, lãi suất cho vay trung và dài hạn nhóm này hiện phổ biến ở mức 10,5% một năm.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết chính sách tiền tệ sẽ bám sát diễn biến lạm phát nhưng không chủ quan.
|
Trước lời kêu gọi nêu trên, ngay tại buổi họp báo, đại diện 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) thống nhất sẽ hạ trần lãi suất cho vay cả ngắn, trung và dài hạn ngay từ ngày mai để chia sẻ với các doanh nghiệp.
"Như hiệu triệu của Thống đốc, lãi suất cho vay ngắn hạn sẽ giảm về 7% một năm và trung và dài hạn sẽ về 10% từ ngày mai", Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư & Phát triển (BIDV), ông Trần Xuân Hoàng khẳng định.
Nhận định việc hạ trần lãi suất cho vay sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của ngân hàng, song lãnh đạo các nhà băng đều cam kết sẽ thực hiện đúng yêu cầu. "Động thái này đồng nghĩa lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm nhưng chúng tôi sẽ tiết giảm chi phí thường xuyên để đồng hành cùng doanh nghiệp trong khó khăn này", bà Bùi Như Ý - Phó tổng giám đốc Ngân hàng Công thương (Vietinbank) cho biết.
Trước ý kiến cho rằng chênh lệch lãi suất huy động đầu vào và đầu ra vẫn ở mức cao, bà Ý cho hay hiện ở Vietinbank, mức chênh này hiện khoảng 2-2,5%. "Chúng tôi huy động đươc 10, song không thể dùng tất cả số đó để cho vay mà cần phải dành một phần để đảm bảo dự trữ bắt buộc, trích lập dự phòng rủi ro, chi phí hoạt động. Do đó, hiện nay mức chênh của Vietinbank khoảng 2-2,5%", vị này phát biểu. Tuy nhiên, với việc sẽ hạ lãi suất cho vay từ ngày mai, đại diện các nhà băng cho hay mức chênh lệch này sẽ tiếp tục giảm.
Liên quan đến tình hình tăng trưởng tín dụng năm 2014, các ngân hàng thương mại vốn Nhà nước đều dự báo sẽ hoàn thành chỉ tiêu tăng 12-14%. Theo lãnh đạo Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), đến nay tăng trưởng tín dụng của ngân hàng gần 10%, dự báo cả năm sẽ đạt 16%. "So với mức tăng trưởng chung 12% của toàn ngành ngân hàng, chúng tôi hoàn toàn làm được", ông nói.
Trong năm 2014, đây là lần thứ hai Ngân hàng Nhà nước hạ trần lãi suất huy động, lần thứ nhất vào ngày 18/3. Đến nay, lãi suất huy động và cho vay bằng tiền đông đã giảm 1-1,5% một năm so với cuối năm 2013. Tỷ trọng các khoản cho vay lãi suất cao tiếp tục hạ, trong đó các khoản trên 15% giảm từ 6,3% xuống còn 4,12% tổng dư nợ cho vay; trên 13%/năm giảm từ 19,7% xuống 11,7%.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho hay, 10 tháng đầu năm, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động bằng tới 90% số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với hơn 54.300 đơn vị.
Phương Linh
ConversionConversion EmoticonEmoticon