Bình Dương thẩm định số tài sản doanh nghiệp bị đập phá
Bình Dương thẩm định số tài sản doanh nghiệp bị đập phá
Nhiều doanh nghiệp bị mất giấy tờ, sổ sách nên cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc thống kê thiệt hại. Một số công ty chỉ kê khai theo đơn giá mới mà chưa khấu trừ khiến kết quả chưa chuẩn xác. - 60.000 người bị ảnh hưởng sau vụ đập phá ở Bình Dương
Tại buổi làm việc của UBND tỉnh Bình Dương về việc tổ chức các giải pháp để khẩn trương hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhanh chóng khôi phục sản xuất ngày 30/5, ông Phạm Văn Hảo, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh cho biết, có hàng trăm doanh nghiệp bị ảnh hưởng sau cuộc gây rối vừa qua, nhưng con số thiệt hại do doanh nghiệp tự kê khai vẫn đang được thống kê, thẩm định.
Theo vị này, cơ quan chức năng của tỉnh bước đầu đã kiểm tra được hơn 200 doanh nghiệp. "Đa số các thiệt hại đoàn kiểm tra chỉ có thể ước tính chứ chưa thể kiểm tra thông qua hồ sơ, sổ sách để có thể khẳng định con số thiệt hại do doanh nghiệp cung cấp", ông Hảo cho hay.
Cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương kê khai tài sản các doanh nghiệp trên địa bàn bị thiệt hại do những kẻ lợi dụng biểu tình đập phá. Ảnh: Nguyệt Triều
|
Nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị gia hạn thêm thời gian để họ có thể kê khai thiệt hại; đồng thời tạo điều kiện để thẩm định giữa kê khai thiệt hại của doanh nghiệp so với hồ sơ, thủ tục liên quan. Ngoài ra, thêm một khó khăn nữa là hồ sơ kê khai phải có sự xác minh của cơ quan công an để doanh nghiệp có cơ sở làm việc với các công ty bảo hiểm.
Trong khi đó, theo báo cáo của nhiều địa phương, một số doanh nghiệp chỉ kê khai thiệt hại tài sản nhà xưởng, trang thiết bị, máy móc bị thiệt hại theo đơn giá mới mà không khấu trừ khiến việc kê khai thiệt hại là chưa chuẩn xác. Cụ thể, có trường hợp một văn phòng công ty chỉ có 25 người, nhưng kê khai bị mất đến 40 laptop; và nhiều trường hợp thì xin lại bản kê khai tài sản thiệt hại để điều chỉnh lại...
Về phía ngành thuế, Cục trưởng Lê Văn Trang cho biết, hiện có hơn 400 doanh nghiệp tự kê khai các thiệt hại. Tuy nhiên, khó khăn là không thể kiểm tra thủ tục, giấy tờ đối chiếu của doanh nghiệp.
"Chúng tôi sẽ xem xét các khoản nợ phát sinh về thuế tính cho đến hết tháng 4. Các doanh nghiệp sẽ được gia hạn cho đến 2 năm. Cục thuế tạm dừng việc thanh tra theo kế hoạch đối với 600 doanh nghiệp; ngừng ngay việc thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có thiệt hại. Ngoài ra, khi kiểm tra đủ hồ sơ sẽ hoàn thuế cho doanh nghiệp, thời gian xử lý giảm từ 6 ngày còn 3-4 ngày", ông Trang cho biết.
Theo lãnh đạo thị xã Thuận An, địa phương đã làm thủ tục giao trả tài sản của các doanh nghiệp bị "hôi của" có giá trị hơn 9 tỷ đồng. Tương tự, một số địa phương khác cũng tiến hành trao máy móc, thiết bị để các doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại.
Tại cuộc họp, nhiều địa phương cũng cho biết có trường hợp cá nhân, doanh nghiệp kê khai mất hàng tỷ đồng nhưng không có cơ sở để xác minh. Do đó đối với tài sản, doanh nghiệp báo mất sẽ giao cơ quan công an điều tra, xác minh để xác định những tài sản mất mát của cá nhân, doanh nghiệp để xem xét đưa vào giá trị thiệt hại của doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung đã biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các cơ quan chức năng trong việc triển khai các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng. "Việc thống kê thiệt hại không phải phục vụ việc bồi thường mà là cơ sở để xem xét hỗ trợ phù hợp. Do đó các doanh nghiệp kê khai tài sản bị thiệt hại cần phải chịu trách nhiệm trước những kê khai của mình", ông Cung nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu chính quyền Bình Dương, tỉnh tạm không thu phí hành chính của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Đồng thời giao ngân hàng nhà nước tỉnh khoanh nợ cho doanh nghiệp; giảm lãi suất khung từ 1-2%; tiếp tục giữ hạn mức cho doanh nghiệp và tăng tín dụng cho doanh nghiệp cần thiết.
Theo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, đã có hơn 95% doanh nghiệp hoạt động sản xuất lại bình thường. Tại khu công nghiệp VSIP có đến 99% doanh nghiệp đã ổn định lại sản xuất kinh doanh. Đơn vị này cũng cấp lại giấy phép lao động cho người nước ngoài mà không thu phí. Tính đến ngày 30/5 đã có gần 2.500 chuyên gia nước ngoài quay lại công ty, nhà máy làm việc.
Cục Hải quan Bình Dương cho biết đã có 356/369 doanh nghiệp xuất khẩu đã hoạt động bình thường trở lại và đã xuất nhiều lô hàng đầu tiên sau sự cố xảy ra vừa qua. Hải quan tỉnh cũng hỗ trợ theo cho 114 doanh nghiệp với số tiền 2.900 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bình Dương đã làm việc với 17 ngân hàng thương mại có hoạt động cho vay đối với 390 doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại có khoản vay, tín dụng 3.148 tỷ đồng.
|
Nguyệt Triều
ConversionConversion EmoticonEmoticon