Ngân hàng, doanh nghiệp cùng lôi nhau ra tòa

Ngân hàng, doanh nghiệp cùng lôi nhau ra tòa

Ngân hàng, doanh nghiệp cùng lôi nhau ra tòa
Chuyện giữa Công ty Xây dựng đô thị Sông Hồng và SHB dù đã hòa giải nhưng một lần nữa cho thấy tranh chấp ngân hàng - doanh nghiệp xảy ra ngày càng nhiều khi kinh tế khó khăn, ảm đạm.
  • Seabank từ chối chứng thư bảo lãnh 150 tỷ đồng / Ngân hàng kẹt trong cuộc đua xiết nợ đại gia
Công ty cổ phần Xây dựng đô thị Sông Hồng đã gửi "thư cầu cứu khẩn cấp" tới Ngân hàng Nhà nước và kiện Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB) ra tòa vì phong tỏa 22,7 tỷ đồng chủ đầu tư đã thanh toán cho họ. Trong khi đó, không chỉ Xây dựng đô thị đâm đơn kiện mà SHB cho biết cũng đã gửi hồ sơ kiện Tổng công ty Sông Hồng - công ty mẹ của Xây dựng đô thị do vi phạm thư bảo lãnh.
SHB-1371199110_500x0.jpg
SHB đã chấp nhận giải phóng 22,794 tỷ đồng tiền thanh toán của Tổng công ty Sông Hồng cho Xây dựng đô thị Sông Hồng sau vụ tranh chấp.
Cuộc tranh chấp này có liên quan tới 3 pháp nhân là Công ty Xây dựng đô thị Sông Hồng - đơn vị thi công và đứng ra kiện SHB; Công ty Thép Sông Hồng - bên vay vốn tại SHB và Tổng công ty Sông Hồng - đơn vị đứng ra bảo lãnh vay vốn cho Thép Sông Hồng. Hai công ty trên đều là thành viên của Tổng công ty Sông Hồng nhưng hoạt động độc lập. 
Năm 2010, Công ty xây dựng đô thị Sông Hồng thực hiện gói thầu số 8 về phần móng, thân và hoàn thiện của dự án Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh theo hợp đồng kinh tế và hợp đồng giao việc với công ty mẹ là Tổng công ty Sông Hồng. Ngày 5/4, chủ đầu tư (Tổng công ty Sông Hồng) thanh toán 22,794 tỷ đồng cho nhà thầu (Công ty Xây dựng đô thị Sông Hồng) với khối lượng công việc đã hoàn thành. Tuy nhiên, khoản tiền này Xây dựng đô thị Sông Hồng không được nhận bởi SHB đã phong tỏa.
Lý do được SHB đưa ra là công ty mẹ chưa thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khoản vay 100 tỷ đồng của Công ty Thép Sông Hồng - một công ty thành viên khác không liên quan tới Xây dựng đô thị Sông Hồng. Cụ thể, ngày 4/4/2011 Tổng công ty Sông Hồng ký thư bảo lãnh vay vốn cho Công ty Thép Sông Hồng vay 100 tỷ đồng tại SHB chi nhánh Hà Nội. 
Xây dựng đô thị Sông Hồng - đơn vị kiện SHB - cho biết khoản tiền 22,794 tỷ đồng là tiền của bên thi công nên SHB không có quyền phong tỏa. Đơn vị này cũng cho hay nhiều lần gửi văn bản và trực tiếp đến đề nghị SHB giải quyết nhưng không được chấp nhận.
Về phần mình, phía SHB cho rằng Tổng công ty Sông Hồng vi phạm cam kết bảo lãnh thanh toán cho Công ty Thép Sông Hồng. Theo SHB, khoản vay của Thép Sông Hồng đã quá hạn từ tháng 11/2011 và theo cam kết, khi Thép Sông Hồng mất khả năng chi trả thì Tổng công ty này phải có trách nhiệm thực hiện đúng cam kết.
Trao đổi với VnExpress.net về vụ tranh chấp này, Luật sư Trần Minh Hải - Giám đốc Công ty Luật Basico - cho biết, trong những vụ việc ngân hàng phong tỏa tài khoản rồi thu hồi tiền của khách là họ đang cùng lúc đứng hai vai: Chủ nợ và ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán. Khi khách hàng có nợ quá hạn và có tiền, ngân hàng sử dụng lợi thế cung ứng dịch vụ thanh toán để phong tỏa tiền và sử dụng vai trò chủ nợ để thu hồi.
Tuy nhiên, theo ông Hải, trong vụ việc này Thép Sông Hồng mới là bên vay vốn còn Xây dựng Đô thị Sông Hồng không liên quan gì đến quan hệ tín dụng ba bên trên. Dù là công ty con của Tổng công ty Sông Hồng nhưng họ có pháp nhân độc lập với công ty mẹ và không có quan hệ nghĩa vụ cam kết tài chính với SHB.
Sau khi đơn kiện SHB của Xây dựng đô thị Sông Hồng được gửi đi, ngày 11/6, Tổng công ty Sông Hồng và SHB đã có buổi làm việc trực tiếp và khi đó, tranh chấp mới được hóa giải. Tổng công ty Sông Hồng xác nhận số tiền 22,794 tỷ đồng mà SHB tạm giữ là tiền được thanh toán từ gói thầu số 8 và cam kết đưa ra các giải pháp thực hiện trách nhiệm bảo lãnh đối với khoản vay nợ tại Công ty Thép Sông Hồng. Còn SHB cũng đồng ý giải phóng và chuyển số tiền 22,794 tỷ đồng cho Xây dựng đô thị Sông Hồng trong ngày 13/6.
Đây không phải câu chuyện đầu tiên và duy nhất về những tranh chấp giữa doanh nghiệp và ngân hàng xung quanh việc bảo lãnh thanh toán. Trước đó, SeaBank cũng vướng tranh chấp với Công ty Vinaconex Viettel liên quan tới thư bảo lãnh 150 tỷ đồng cho Tập đoàn Vina MegaStar. Chuyên gia pháp chế của một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội cho biết, thời gian gần đây khi kinh tế khó khăn, những cuộc tranh chấp kiện tụng giữa các chủ thể kinh tế diễn ra ngày càng nhiều. "Lúc khó khăn thì người ta dễ mất thanh khoản nên việc đâm đơn kiện nhau cũng không có gì là lạ", vị này lý giải.
Thanh Thanh Lan

, ,

Previous
Next Post »