Những cặp anh em quyền lực trên sàn chứng khoán
Những cặp anh em quyền lực trên sàn chứng khoán
Tại nhiều doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị đóng vai trò linh hồn cho cả bộ máy điều hành và thường được hỗ trợ bởi những người anh em ruột thịt. - 4 doanh nhân gốc Hoa thành đạt ở thị trường Việt
1. Đoàn Nguyên Đức - Đoàn Nguyên Thu (Hoàng Anh Gia Lai)
Ông Đoàn Nguyên Thu (trái) và người anh Đoàn Nguyên Đức.
|
Ông Đoàn Nguyên Đức được biết đến là người xây dựng nên doanh nghiệp đa ngành Hoàng Anh Gia Lai (Mã CK: HAG) kinh doanh từ bất động sản đến nông nghiệp chỉ từ một xưởng đóng đồ gỗ nhỏ. 5 trong số 9 anh em của ông Đức đang nắm cổ phần công ty, trong đó người em trai Đoàn Nguyên Thu cùng ông chèo lái doanh nghiệp. Ông Thu tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP HCM và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh.
Gia nhập Hoàng Anh Gia Lai năm 22 tuổi, ông Thu được giao phụ trách mảng kinh doanh gỗ, lĩnh vực nền móng của doanh nghiệp. Khi bầu Đức lân sân sang thủy điện, người em trai cũng trở thành thành viên Hội đồng quản trị công ty Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai. Theo đề án tái cấu trúc, từ năm 2012 mảng kinh doanh ông Thu nắm không còn nằm trong nhóm ngành kinh doanh trọng yếu mà doanh nghiệp này theo đuổi, sau khi ngành gỗ bị tách khỏi tập đoàn bằng cách bán cổ phần cho người lao động và các dự án thủy điện bị bán bớt.
Theo báo cáo quản trị công ty năm 2013, hai anh em ông Đoàn Nguyên Đức đang sở hữu hơn 315 triệu cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai, tương đương hơn 45% vốn điều lệ công ty. Tính theo giá cổ phiếu ngày 24/4, tổng tài sản hai vị này trị giá hơn 8.350 tỷ đồng. Trước đó, ông Đoàn Nguyên Đức đã 4 năm giữ vị trí á quân trong bản xếp hạng người giàu nhất sàn chứng khoán (2010 - 2013) và đã từng đứng vị trí thứ nhất năm hai năm 2008 - 2009.
2. Trần Kim Thành - Trần Lệ Nguyên (Kinh Đô)
Hai anh em ông Trần Kim Thành (trái) và Trần Lệ Nguyên (phải)
|
Tại Công ty Cổ phần Kinh Đô (Mã CK: KDC), gia đình họ Trần có vai trò chủ chốt khi 3 trong 4 anh em trai là ông Trần Kim Thành, Trần Lệ Nguyên và Trần Quốc Nguyên đều giữ những vị trí quan trọng.
Người anh trai Trần Kim Thành giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị, em trai Trần Lệ Nguyên là Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng giám đốc còn người em út Trần Quốc Nguyên cũng là thành viên Hội đồng quản trị công ty. Báo cáo thường niên công ty ghi nhận vợ chồng hai anh em Trần Kim Thành - Trần Lệ Nguyên là những người sáng lập tập đoàn kinh doanh thực phẩm này. So về số cổ phần nắm giữ, ông Trần Lệ Nguyên lại nhỉnh hơn với 8% vốn điều lệ.
Từ lúc gây dựng Kinh Đô, ông Trần Kim Thành và Trần Lệ Nguyên được biết đến là người thành công trong những quyết định M&A, đặc biệt là thương vụ mua lại nhà máy kem Wall từ Unilever và sắp tới sẽ lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh mì ăn liền.
Ngoài sự nghiệp kinh doanh, ông Thành còn được bầu làm Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, người em trai Trần Lệ Nguyên cũng là Ủy viên Hội đồng quản trị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Tính tới cuối năm 2013, Kinh Đô có vốn điều lệ gần 1.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trong năm đạt hơn 500 tỷ đồng, tăng 40% so với năm ngoái. Tổng tài sản hai anh em nhà họ Trần nắm giữ trên 750 tỷ đồng (tính theo thị giá cổ phiếu ngày 24/4), trong đó ông Trần Lệ Nguyên nằm trong top 20 người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2013.
3. Nguyễn Quốc Toàn - Nguyễn Quốc Mỹ (NamA Bank)
Từ trái sang phải: Ông Nguyễn Quốc Toàn, bà Nguyễn Thị Xuân Loan và ông Nguyễn Quốc Mỹ.
|
Tại đại hội cổ đông năm 2014 của Ngân hàng Nam Á (NamA Bank) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quốc Toàn đã được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới. Như vậy, 3 trong số 4 người con của bà Trần Thị Hường - cổ đông lớn nhất Nam Á đã thay nhau nắm giữ chức vụ cao nhất tại ngân hàng từ năm 2007 đến nay.
Ngoài tham gia ban lãnh đạo Nam Á, ông Nguyễn Quốc Toàn còn là thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoàn Cầu, chuyên kinh doanh trong lĩnh vực hạ tầng, bất động sản, thương mại và dịch vụ. Toàn Cầu cũng được biết đến là đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ tại Việt Nam và vợ của ông Toàn chính là Á hậu năm 2008 Dương Trương Thiên Lý.
Tại 31/12/2013, NamA Bank có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2013 đạt gần 135 tỷ đồng, giảm 45 tỷ đồng so với năm trước, nguyên nhân chủ yếu thu nhập từ hoạt động cho vay, nhân tiền gửi giảm và kinh doanh ngoại hối lỗ.
4. Hà Văn Thắm - Hà Trọng Nam (Tập đoàn Đại Dương)
Ông Hà Trọng Nam (trái) và ông Hà Văn Thắm (phải)
|
Ông Hà Văn Thắm là người sáng lập nên Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Mã CK: OGC), doanh nghiệp kinh doanh đa ngành từ tài chính - ngân hàng, bất động sản, khách sạn, dịch vụ tới bán lẻ. Năm 2013, ông cũng được xếp hạng là người giàu thứ 8 trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Người anh trai - ông Hà Trọng Nam hiện cũng là trợ thủ đắc lực cho ông tại công ty. Sinh năm 1970, ông Hà Trọng Nam được bầu làm thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Đại Dương năm 2013, song từ năm 2009, ông Nam đã là Chủ tịch Công ty cổ phần Kem Tràng Tiền - đơn vị có trụ sở nằm trên "khu đất vàng" 1.500 m2 tại thủ đô.
Kem Tràng Tiền được Công ty Cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (Mã CK: OCH) - công ty con của OGC nắm hơn 78% vốn điều lệ. Báo cáo kiểm toán năm 2010 của OCH ghi nhận ông Hà Trọng Nam được ứng trước 500 tỷ đồng để thực hiện thương vụ mua lại công ty sở hữu "khu đất vàng" và thương hiệu kem nổi tiếng này. Ngoài ra, ông Hà Trọng Nam còn là thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bán lẻ và quản lý bất động sản Đại Dương.
Tập đoàn Đại Dương có vốn điều lệ hơn 3.000 tỷ đồng, hiện là chủ đầu tư nhiều dự án bất động sản như dự án StarCity Lê Văn Lương (Hà Nội), Time Tower Hạ Long (Quảng Ninh), Gia Định Plaza tại TP HCM... Lợi nhuận sau thuế năm 2013 đạt gần 170 tỷ đồng, tăng 80% so với năm trước.
5. Nguyễn Duy Hưng - Nguyễn Hồng Nam (SSI)
Ông Nguyễn Hồng Nam (trái) và người anh Nguyễn Duy Hưng (phải).
|
Tại SSI, hai anh em Nguyễn Duy Hưng - Nguyễn Hồng Nam là "cặp bài trùng" khi ông Nguyễn Duy Hưng giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc, còn người em là Thành viên hội đồng, kiêm Phó tổng giám đốc và là người công bố thông tin của công ty.
Trong khi anh trai có bằng cử nhân Luật thì ông Nguyễn Hồng Nam cũng là Thạc sĩ Khoa học kỹ thuật của Trường Đại học Bách Khoa Lugansk - Ukraine. Tuy nhiên, họ giống nhau ở điểm đều là nhân viên cơ quan Nhà nước trước khi rẽ sang còn đường đầu tư tài chính, nắm quyền điều hành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường (hơn 3.500 tỷ đồng).
Xét về sở hữu cá nhân tại SSI, ông Nguyễn Hồng Nam nhỉnh hơn anh trai khi nắm gần 4,5% vốn điều lệ công ty, trong khi ông Nguyễn Duy Hưng nắm chưa đến 0,1%. Song, với việc là người nắm giữ nhiều cổ phần tại Công ty TNHH NDH Việt Nam, Công ty Xuyên Thái Bình Dương, ông Hưng xếp thứ 18 trong số những người giàu nhất trên sàn chứng khoán. Trong khi đó, ông Nam cũng có mặt trong Top 50, dưới người anh trai hơn 20 bậc.
6. Đặng Phước Thành - Đặng Lan Phương (Vinasun)
Bà Đặng Thị Lan Phương và ông Đặng Phước Thành.
|
Tốt nghiệp hệ cử nhân sinh hóa, sông ông Đặng Phước Thành hiện là chủ của một trong những hãng taxi lớn nhất cả nước - Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun). Gia đình có 7 anh chị em, song ông Đặng Phước Thành lại tin tưởng giao chức Tổng giám đốc điều hành công ty cho người em gái Đặng Thị Lan Phương kém ông 12 tuổi.
Bà Phương có bằng trung cấp tài chính kế toán. Sau 10 năm vị "nữ tướng" này nắm quyền điều hành, đến nay vốn điều lệ của Vinasun đạt gần 435 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế năm 2013 đạt hơn 224 tỷ đồng, gần gấp rưỡi lợi nhuận năm ngoái. Hai anh em ông Đặng Phước Thành nắm trên 22,2% vốn điều lệ công ty, tương ứng tổng tài sản hơn 483 tỷ đồng (tính theo thị giá ngày 24/4), trong đó riêng ông Thành nắm 482 tỷ đồng và năm 2013 xếp thứ 23 trong danh sách người giàu trên sàn chứng khoán.
Huyền Thư
ConversionConversion EmoticonEmoticon