Ông Đặng Thành Tâm muốn 'xin 2 chữ bình yên'

Ông Đặng Thành Tâm muốn 'xin 2 chữ bình yên'

Ông Đặng Thành Tâm muốn 'xin 2 chữ bình yên'
Trở lại Quốc hội kỳ này với tâm thế vui vẻ và thần sắc tốt hơn kỳ trước, đại biểu doanh nhân Đặng Thành Tâm chia sẻ với VnExpress.net giờ này chỉ muốn tập trung cho chuyện kinh doanh.
  • Vợ ông Đặng Thành Tâm thoái xong vốn tại Navibank / Cổ phiếu công ty ông Đặng Thành Tâm vào diện cảnh báo
- Kỳ họp Quốc hội trước, ông cáo bệnh xin nghỉ, rồi khi đi họp trở lại rất kín tiếng. Tới kỳ này, ông tự thấy mình có gì khác?
- Thời gian vừa rồi tôi bận đi thu hút đầu tư, cũng như tập trung chữa bệnh. Hiện giờ tôi chỉ tập trung vào làm ăn. Ngày xưa làm một thì giờ phải làm ba, nói ít làm nhiều. May quá vẫn còn tiền, vẫn sống được nên thần sắc tốt hơn trước. Năm ngoái  còn tưởng "sắp chết" vì kinh tế khó khăn. Nay mặt mày hớn hở hơn một chút vì kinh tế đã ổn định hơn.
Dang-Thanh-Tam-3-1369281128_500x0.jpg
Ông Đặng Thành Tâm bên lề phiên họp Quốc hội sáng 23/5.
- Ông nói tình hình kinh tế khá hơn, nhưng một loạt công ty của gia đình ông vừa qua đều trục trặc, cổ phiếu Tân Tạo bị cảnh báo, ngành kinh doanh viễn thông thua lỗ, nợ nần. Ông nói sao về thực tế này?
- Cổ phiếu ITA bị cảnh báo vì nộp chậm báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán. Còn chuyện thua lỗ thì hiện 70% doanh nghiệp Việt Nam đều lỗ, có nơi không có cả tiền để trả lương. Do vậy việc chúng tôi có một vài công ty lỗ cũng không có gì là ngoại lệ. Trong khi đó, vẫn còn nhiều đơn vị khác có lãi.
Hai năm qua, 2 tập đoàn Tân Tạo và Đầu tư Sài Gòn (SGI), trong đó có Phát triển đô thị Kinh Bắc, không hề vay được một đồng nào từ các ngân hàng. Tuy nhiên chúng tôi đã trả 5.000 tỷ đồng tiền nợ, vẫn đảm bảo trả lương thưởng, lãi vay... Như vậy là rất tốt rồi.

- Kinh doanh không tốt lên nhiều, lại không được vay mới, vậy ông lấy tiền đâu để trả ngân hàng? 
- Các nhà đầu  tư nước ngoài không bị ảnh hưởng bởi chính sách siết chặt tín dụng của Ngân hàng Nhà nước nên họ vẫn có khả năng trả tiền thuê mua nhà xưởng của chúng tôi. Ngoài ra, trước đây tình hình đầu tư dàn trải là phổ biến. Còn giờ chúng tôi đã quyết định bán đi những cổ phiếu và đầu tư ngoài ngành , tập trung vào phát triển khu công nghiệp và thu hút đầu tư.
Trong vòng 5 tháng qua, chúng tôi đã thu hút được khoảng một tỷ USD vốn đầu tư từ nước ngoài. Với kết quả này, năm 2013, Kinh Bắc chắc chắn có lãi.
- Trở lại Quốc hội lần này, ông có đề xuất gì để gỡ khó cho tình hình kinh tế hiện nay?
- Tại Quốc hội kỳ này, tôi dự định không nói gì cả, chỉ đưa ra đề xuất bằng văn bản thôi. Ngoài ra tôi cũng thấy người ta nói nhiều về thực trạng rồi, quan trọng là giải pháp pháp đó cần phải đột phá.
Chẳng hạn như việc thành lập công ty mua bán nợ xấu thì tốt rồi, nhưng tôi cũng mạnh dạn đề xuất với Ngân hàng Nhà nước về việc thành lập công ty bảo lãnh cho các khoản vay mới. Vì có được vốn mới thì mới có tăng trưởng GDP. Nếu có công ty mua bán nợ, vốn 100.000 tỷ đồng có thể mua và xóa được 100.000 tỷ nợ xấu, giúp các ngân hàng thương mại sạch sẽ hơn về sổ sách cũng là điều đáng mừng.
Tuy nhiên nếu bớt ra một phần, ví dụ 50.000 tỷ đồng để bảo lãnh cho các khoản vay mới, cho những lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế, thì dòng tiền sẽ lớn hơn nhiều. Số tiền này có thể giúp bảo lãnh cho khoản vay tới 250.000 tỷ - con số này chắc chắn giúp khơi thông nền kinh tế. Tất nhiên không thể giải ngân lập tức số vốn này, nhưng nếu có thể giải ngân được trong 2 năm thì tổng đầu tư toàn xã hội cũng sẽ không thấp hơn số liệu thống kê hiện nay.
- Sao ông chỉ góp ý bằng văn bản, mà không đưa ra chất vấn trực tiếp tại hội trường giống như các kỳ trước ông từng tâm huyết phát biểu?
- Tôi thấy trong phần chất vấn trực tiếp tại hội trường, mỗi người chỉ có 7 phút không đủ để trình bày hết ý. Phải có đề xuất cực kỳ đột phá mới nên phát biểu. Còn chỉ phê bình chung chung cũng chẳng để làm gì. 
Ngoài ra, giờ tôi cảm thấy đáng lẽ không nên vào Quốc hội. Ngày trước tôi ứng cử, bị trượt 2 lần nhưng vẫn cố lần thứ 3 để thể hiện cho con cháu mình thấy mình có quyết tâm rất lớn. Nhưng vào Quốc hội rồi mới thấy nhiều khi người ta hiểu theo một nghĩa hoàn toàn khác. Số tôi không làm chính trị gia được. Có lẽ kỳ tới, tôi không tham gia nữa. Mình có tâm huyết, muốn đóng góp thì ở đâu cũng đóng góp được. Giờ chỉ tập trung lo làm ăn, thôi xin hai chữ bình yên. 
- Vậy với tư cách là một doanh nhân, ông cảm nhận như thế nào về tình hình kinh tế sắp tới?
- Tham khảo các chuyên gia, CEO hàng đầu thế giới, tôi thấy các nền kinh tế lớn đã dần ổn định, sẽ dẫn dắt kinh tế toàn cầu. Theo quan điểm cá nhân tôi, khó khăn của doanh nghiệp hiện nay chủ yếu là do chủ quan, là lỗi hệ thống.
Có thể nói cả nền kinh tế đã thấm thía. Ở đâu, vị trí nào, cũng đều rút ra được bài học. Tôi cho rằng sau khi những chính sách kinh tế quyết liệt của Chính phủ được Quốc hội thông qua, thì kinh tế sẽ khởi sắc ngay trong những tháng cuối năm 2013. Dòng vốn được lưu thông cũng như người bệnh được dùng thuốc, sẽ hồi phục rất nhanh. Doanh nghiệp đang chờ những giải pháp như vậy.
Thanh Bình

, ,

Previous
Next Post »