ADB: 'Việt Nam cần quyết tâm chính trị để giải quyết nợ xấu'

ADB: 'Việt Nam cần quyết tâm chính trị để giải quyết nợ xấu'

ADB: 'Việt Nam cần quyết tâm chính trị để giải quyết nợ xấu'
Ngân hàng Phát triển châu Á cảnh báo nếu Việt Nam không đẩy nhanh giải quyết nợ xấu và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục ở mức thấp kéo dài. 
  • 'VAMC như bệnh viện nợ xấu' / Fitch cảnh báo Việt Nam cải cách quá chậm
"Tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp tục trì trệ" là dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á dành cho Việt Nam năm 2013, đưa ra tại buổi công bố Triển vọng Kinh tế châu Á sáng nay tại Hà Nội. Đây là báo cáo được ADB thực hiện 6 tháng một lần. 
Theo đó, dự báo tăng trưởng GDP cho năm nay của Việt Nam tiếp tục được Ngân hàng này giữ nguyên ở 5,2% như báo cáo 6 tháng trước đây. Tuy nhiên, triển vọng cho năm sau phần nào lạc quan hơn, với tăng trưởng GDP từ 5,5% được tăng lên 5,6%, trong giả định Chính phủ sẽ đạt được những tiến bộ dần trong các chương trình cải cách. 
Riêng dự báo cho lạm phát năm nay giảm đáng kể, từ 7,5% được điều chỉnh còn 6,5%, do giá lương thực giảm nhanh hơn dự kiến. ADB cho rằng lạm phát năm sau có thể cao hơn do chính sách nới lỏng và cung tiền tăng, tuy nhiên vẫn thấp hơn một điểm phần trăm so với nhận định 6 tháng trước, xuống 7,2%.
photo-JPG-9334-1380685939.jpg
Dự báo tăng trưởng kinh tế cho năm nay được ADB giữ nguyên ở 5,2%. Ảnh: Thanh Bình
Ngoài các đánh giá chung về kinh tế như trên, các diễn giả của ADB đã dành phần lớn thời lượng buổi họp báo để nói về nợ xấu và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. 
Trong đó, nợ xấu tiếp tục là vấn đề then chốt trong bối cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Hiện nay, khi quy mô nợ xấu vẫn còn chưa rõ ràng, ADB băn khoăn về việc liệu Công ty quản lý tài sản VAMC vừa thành lập có đủ khả năng để xử lý, giải quyết nợ xấu. ADB cho rằng VAMC chỉ có thể thành công khi có những biện pháp cải cách chính sách và pháp luật khác nữa. 
Ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế quốc gia của Ngân hàng này nêu ví dụ tiêu biểu về nợ xấu là trường hợp Vinashin. Tập đoàn này từng được vay vốn từ ngân hàng một cách dễ dàng và không có tài sản đảm bảo. Với những loại nợ xấu này, ADB đặt câu hỏi liệu VAMC có thể làm gì để xử lý. 
ADB khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường cơ sở pháp lý để có thể giải quyết nợ xấu. Ví dụ trong việc chuyển tài sản của các doanh nghiệp phá sản sang cho VAMC, các tài sản bảo đảm này lại nằm dưới sự điều chỉnh bởi các luật khác nữa, như tài sản bằng đất còn chịu sự kiểm soát của Luật Đất đai. Do đó vẫn chưa đủ hành lang pháp lý để các giao dịch này diễn ra. 
Hoặc trong cơ chế định giá và đấu giá các khoản nợ xấu, ADB cho rằng cơ sở pháp lý để định giá vẫn chưa rõ ràng, trong khi đây mới là điều quan trọng. Định giá hợp lý, phù hợp với giá thị trường thì mới hấp dẫn được các nhà đầu tư quốc tế. 
Việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước cũng được các diễn giả của ADB nhấn mạnh. Ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế quốc gia của ADB Việt Nam nói, cách đây 6 tháng ông đã phải nhấn mạnh vấn đề này, và đến nay thấy tiếc rằng vẫn chưa nhìn thấy tiến bộ nào đáng kể. 
"Nếu không đẩy nhanh tiến độ cải cách cơ cấu đối với các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp Nhà nước, nền kinh tế có thể phải đối mặt với giai đoạn tăng trưởng yếu ớt kéo dài, dưới mức 7-8% từng đạt được trong giai đoạn 2002-2007", báo cáo về Việt Nam công bố sáng nay của ADB viết. 
Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam nhấn mạnh, để giải quyết nợ xấu và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, Việt Nam cần một quyết tâm chính trị lớn. Quyết tâm chính trị ở đây, ông lý giải, là sự phối hợp giữa các ban ngành, các bộ, ví dụ một mình Bộ Tài chính không thể giải quyết được việc tái cơ cấu và mình Ngân hàng Nhà nước cũng không thể giải quyết được nợ xấu. Ví dụ như khi giải quyết tái cơ cấu doanh nghiệp, giải quyết tài sản của doanh nghiệp, Bộ Tài chính cần phối hợp với các bộ ngành khác, và cũng cần có thêm hành lang pháp lý để xử lý khối tài sản đó. "Để làm được, chúng ta cần có sự cam kết chính trị ở cấp cao nhất", ông Kimura phát biểu. 
Dự báo về khu vực châu Á Thái Bình Dương, Ngân hàng Phát triển châu Á có cái nhìn bi quan hơn 6 tháng trước, theo đó giảm dự báo tăng trưởng GDP năm nay từ 6,6% xuống 6%. Dự báo chung giảm xuống chủ yếu do tại Trung Quốc và Ấn Độ, tình hình phát triển kém hơn mong đợi và ở Mỹ, tương lai của gói nới lỏng vẫn chưa rõ ràng. 
Thanh Bình

, ,

Previous
Next Post »