Đàn ông Ấn Độ lịch thiệp trong mắt nữ khách độc hành
- Ô tô luồn lách trên phố Ấn Độ giữa xe lam và bò / 5 nỗi sợ hãi phổ biến về du lịch Ấn Độ
Mariellen Ward từng là một nhà báo đến từ Canada, tuy nhiên sự nghiệp viết văn về những hành trình khám phá của cô chỉ thực sự bắt đầu kể từ chuyến thăm Ấn Độ năm 2009. Hiện Mariellen vẫn tiếp tục cập nhật những chuyến đi trên trang blog du lịch Breathe Me Go của mình. Dưới đây là một mảnh ghép nhỏ trong chuỗi những câu chuyện về Ấn Độ được Mariellen chia sẻ.
Từ tờ mờ sáng trước khi bình minh nóng nực kịp hé rạng, Mariellen đã đến ga tàu New Delhi. Khung cảnh nhà ga hỗn loạn với biển người đi lại trong tiếng còi inh ỏi của những chiếc xe lam. Từng nhóm người khuân vác đội khăn turban đỏ đứng chờ đợi những chiếc taxi thả khách xuống trước cửa ga xe lửa.
Trước khi đặt chân xuống vỉa hè vỡ nát và ẩm ướt, Mariellen hít một hơi dài để lấy tinh thần bước qua đám đông những người khuân vác chào mời, ngay lập tức đã có ba người lao tới phía cô. Thực lòng Mariellen không cần tới một người xách đồ hộ, nhưng cô muốn ai đó tìm giúp ghế ngồi trong toa tàu ghi trên vé của cô. Hơn nữa, trong tình trạng ngái ngủ, có lẽ cô cũng sẽ đỡ mệt mỏi nếu có người mang hành lý của mình qua những ga chờ đông đúc lên tới tận toa ngồi vốn cách đó cả cây số.
Khung cảnh đông đúc của nhà ga New Delhi. Ảnh: Zwetkoff. |
Mariellen mặc cả với một người đàn ông khuân vác: "Anh lấy bao nhiêu?". Người kia trả lời: "200 rupee". "Anh đùa đấy à? Tôi sẽ tự cầm", cô bật mí rằng những dịch vụ này luôn có giá cố định, mặc dù du khách chẳng bao giờ biết được cụ thể là bao nhiêu.
Cô liền tiếp lời bằng tiếng Hindi: "Tôi sống ở Delhi đó. Giá là 40 rupee cho mỗi túi thôi". "Thôi được rồi, tất cả hết 150 rupee", người khuân vác nhượng bộ cho đến khi cả hai đi đến thống nhất rằng anh ta sẽ lấy 80 rupee (chừng 2 USD) để xách hết đồ của Mariellen, dù cô vẫn chưa thực sự hài lòng nhưng đó là mức chấp nhận được.
Cô biết rằng khách nước ngoài luôn phải trả cao hơn, song thực sự những người đàn ông này rất cần tiền trang trải cho cuộc sống. Vừa đi theo người khuân đồ, Mariellen vừa nghĩ rằng mình quả thực may mắn vì người đàn ông này rất cao lớn, anh ta có thể dễ dàng đi qua đám đông với đống hành lý trên đầu.
Khi đến sân ga, Mariellen đưa cho anh ta xem tấm vé. Sau một phút nhầm lẫn và đọc hướng dẫn trên bảng ghi danh sách hành khách, người khuân đồ nói với cô rằng đó chỉ là một phiếu xếp hàng. Phiếu của cô ghi số thứ tự 48, Mariellen đã nghĩ đó là số ghế trên tàu của mình.
Hoảng loạn tột độ, Mariellen chỉ muốn đến ngay đạo viện để thiền. Cuộc hành hương Kumbh Mela của những tín đồ Hindu sắp diễn ra trong vài ngày tới, hàng triệu người sẽ đổ đến nhà ga này. Thật không có cách nào khác để cô có thể mua lại vé tàu. Cô bảo với người khuân đồ rằng cô thực sự cần phải đi chuyến tàu đó. Ngay lập tức nắm được tình hình, anh bắt đầu chạy lên chạy xuống sân ga để tìm người soát vé. Họ tìm thấy một người đàn ông mặc bộ đồng phục sờn cũ trên toa hạng nhất, ông ta nói rằng không thể giúp được trường hợp của Mariellen bởi tất cả chuyến tới cố đô Haridwar (bang Uttarakhand, miền bắc Ấn Độ) đều đã hết vé từ nhiều tuần trước.
Mariellen và người khuân đồ không bỏ cuộc. Một phút trước khi tàu khởi hành, cả hai tìm được nhân viên soát vé trên toa hàng số 2, trông rất điển trai và chu đáo. Ông nhẹ nhàng đáp rằng Mariellen có thể ngồi ghế của ông và nói số ghế ngồi với người khuân đồ. Ngay lập tức hai người nhảy lên khoang ngồi trong niềm hân hoan. Toa tàu chật kín song người khuân vác vẫn tìm được một chỗ để đồ cho Mariellen ngay khi loa thông báo tàu chạy vang lên lần cuối cùng bên sân ga ẩm ướt.
Người khuân đồ và Mariellen nhìn nhau mỉm cười, giờ họ đã là những người đồng hành. Cô cảm ơn anh chân thành và đặt vào tay anh 100 rupee, nhiều hơn giá họ đã thỏa thuận.
Xem thêm: Kỷ lục trên những toa tàu quá tải ở Ấn Độ
Phạm Huyền
ConversionConversion EmoticonEmoticon